Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

C&R BẮT MẠCH DOANH NGHIỆP

Mới mẻ, đầy thách thức nhưng nhiều triển vọng

“Hồng Kông có khoảng 300.000 doanh nghiệp nhưng có tới hơn 40 công ty thông tin tín nhiệm. Việt Nam có gần 200.000 doanh nghiệp và khoảng 3 triệu thực thể kinh doanh khác, nhưng nghề này vẫn được coi là rất… mới!”, ông Lê Đình Quản, Giám đốc Công ty thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp (C&R) cho biết.

Ví von về kinh doanh thông tin tín nhiệm, có người gọi các công ty điều tra là “bác sỹ”, còn doanh nghiệp “bị” điều tra là “bệnh nhân”. Chỉ có điều, trong công việc này, “bệnh nhân” không phải trả tiền “bắt mạch”, mà đôi khi “bác sỹ” phải làm điều ngược đời này.

Tiếc tiền “biết người”?

Tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, thông tin tín nhiệm (Credit Information) được đánh giá rất cao. Khách hàng của các công ty thông tin tín nhiệm thường là các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, chứng khoán và ngân hàng, các nhà bảo hiểm tiền gửi và các nhà bảo lãnh xuất nhập khẩu. Nhiều nước còn quy định bắt buộc ngân hàng hoặc các nhà xuất nhập khẩu phải có những bản báo cáo độc lập do một công ty kinh doanh thông tin tín nhiệm cung cấp trước khi cho vay hoặc bảo lãnh.

Trên bình diện quốc gia, các hãng lớn cũng thường xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Việt Nam đã mời 3 công ty Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch để đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia. Standard & Poor’s đã “chấm điểm” hệ số tín nhiệm quốc gia đối với các khoản nợ dài hạn bằng nội tệ và hệ số đối với các khoản nợ dài hạn bằng ngoại tệ đều ở mức BB - điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thay đổi cách nhìn của các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”, binh pháp Tôn Tử ai cũng đọc thuộc lòng, nhưng dường như vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam để vào tâm thức. Kể từ năm 1999, C&R đã cung cấp hơn hàng chục ngàn báo cáo tín nhiệm về các doanh nghiệp Việt Nam cho các công ty và tổ chức nước ngoài; trong khi đó chỉ nhận được khoảng 500 đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cho thấy sự khác biệt quá lớn trong nhận thức về nhu cầu “tìm hiểu” đối tác làm ăn giữa hai bên. Hệ quả là, trong các cuộc đàm phán, doanh nghiệp nước ngoài thường ở thế “thượng phong”, còn doanh nghiệp Việt Nam, dĩ nhiên là vào thế bất lợi vì mù tịt về “đối thủ”.

Tìm hiểu và thẩm định khách hàng trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường - khi ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh được mở ra, và đi liền đó là nhu cầu cần phải thẩm định các cơ hội làm ăn này. Mặt khác, hội nhập kinh tế đòi hỏi phải có sự minh bạch hóa cao về thông tin doanh nghiệp (“sức khỏe” tài chính, năng lực điều hành, công nghệ áp dụng…), không thể tồn tại châm ngôn “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”. Đã đến lúc doanh nghiệp phải biết và phải chịu “phơi” mình để các đối tác hoặc khách hàng thấy rõ mình là ai, ở đâu, làm gì, có thể có năng lực đến đâu và về vấn đề gì ?.. “Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp của chúng ta đều có xu hướng che dấu sự thật về bản thân mình, khuyếch trương những điểm tốt, mặt mạnh, che dấu thông tin tài chính thực và những hạn chế của mình”, một nhân viên của C&R cho biết về thực tế hành nghề của mình.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào WTO. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ càng về các đối tác nước ngoài thông qua các công ty thông tin tín nhiệm để “biết người biết ta”, kiểm soát được rủi ro ở mức cao nhất có thể. Với khoảng 150 USD cho một bản báo cáo tín nhiệm, liệu có là lãng phí cho những hợp đồng đáng giá hàng chục nghìn, thậm chí là hàng trăm, hàng triệu đô la?

Tách ra từ Công ty Giải pháp Việt Nam. C&R đã dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của các tổ chức định giá tín nhiệm lớn nhất trên thế giới là Standard & Poor’s, Moody’s, Equifax; Jcr..,.xây dựng được hệ thống đánh giá riêng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hệ thống đánh giá này có tới hơn 100 chỉ tiêu tính điểm và các phương pháp kiểm tra chéo phức tạp để có thể đưa tới việc xếp hạng từ AAA, AA, BB đến D… cho mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp.

Kể từ tháng 8 năm 2004, C&R chính thức được công nhận là thành viên của ASIAGATE – Công thông tin tín nhiệm châu á. “Sự tín nhiệm mà chúng tôi có được là bởi vì chúng tôi khách quan, độc lập và chỉ cung cấp sự thật về doanh nghiệp”, ông Quản khẳng định. Bản báo cáo tín nhiệm của Công ty được thực hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ theo pháp luật, tiến hành xem xét tất cả các chỉ số tài chính và phi tài chính để đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, khuyến nghị đối tác làm ăn….

Theo tiết lộ của nhân viên C&R, trong điều kiện Việt Nam, các chỉ số phi tài chính có thể chiếm tới 60% trong một bản báo cáo tín nhiệm.Rất nhiều khi, những chỉ số phi tài chính này đã đưa khách hàng tới quyết định đầu tư, làm ăn với đối tác tưởng chừng như không có cơ hội (do năng lực về vốn, cơ sở hạ tầng, về “danh tiếng”…). Điều quan trọng nhất của một báo cáo là đưa ra một bức tranh chi tiết và trung thực cho các khách hàng của mình. Những thông tin được đưa ra phải hoàn toàn mang tính khách quan và được điều tra trực tiếp, trên nguyên tắc “ý thức trách nhiệm như của chính mình”.

Không có nhận xét nào: