Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

THÔNG TIN TÍN NHIỆM VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI - LÊ ĐÌNH QUẢN

Thông tin tín nhiệm (Credit Information) đóng một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, không chỉ cung cấp những cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách quản lý vĩ mô mà còn cực kỳ hữu ích cho các hoạt động kinh doanh song phương. Càng nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh được mở ra thì càng cần phải thẩm tra kỹ các cơ hội đó.

Thông tin tín nhiệm ở Nước Ngoài

Trong một nước có kinh tế thị trường phát triển, chỉ cần nhấc điện thoại bạn sẽ có trong tay một báo cáo đầy đủ và hợp pháp về cá nhân hoặc thực thể kinh tế. Các công ty chuyên kinh doanh dịch vụ thông tin sẽ đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của bạn. Khách hàng của các công ty thông tin thường là các đối tác làm ăn, doanh nghiệp kinh doanh về tiền tệ, chứng khoán và ngân hàng; các nhà bảo hiểm tiền gửi và các nhà bảo lãnh xuất nhập khẩu. Nhiều nước còn quy định bắt buộc ngân hàng hoặc các nhà xuất nhập khẩu phải có những bản báo cáo độc lập do một công ty kinh doanh thông tin tín nhiệm cung cấp trước khi cho vay hoặc bảo lãnh. Muốn có những thông tin thật quan trọng, người ta thường tìm đến các nhà cung cấp có uy tín. Tại Nhật bản có những công ty đã làm dịch vụ này hơn 100 năm nay. Hiện nay, Mỹ là quốc gia đứng đầu về số lượng các công ty chuyên cung cấp thông tin tín nhiệm. Việt Nam mới chỉ có một công ty chuyên về thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp tư nhân là công ty C&R Việt Nam.

Thông tin tín nhiệm ở Việt Nam

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, xã hội Việt Nam càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là sau khi có luật doanh nghiệp, các công ty ra đời như nấm sau mưa. Doanh nghiệp tốt nhiều nhưng xấu cũng không phải ít. Bởi vì sự minh bạch hoá là một yêu cầu bắt buộc trong bước đường hội nhập kinh tế của Việt Nam với thế giới. Thực chất hội nhập quốc tế chính là sự hội nhập của từng thực thể kinh tế, của từng doanh nghiệp. Hội nhập chính sách là tiên quyết nhưng nếu chỉ nằm trên giấy tờ mà các doanh nghiệp không thực sự xúc tiến để tìm hiểu nhau và hợp tác với nhau thì sự hôi nhập cũng chỉ “khô cứng” mà thôi.

Ngoài nhiều cuộc thảo luận với những yêu cầu chính thức từ hầu hết các bên đối tác, Hiệp định thương mại Việt-Mỹ đã trang trọng dành trọn chương VI để đề cập đến vấn đề minh bạch hoá chính sách. Việc chúng ta gia nhập WTO cũng đặt ra vấn đề rõ ràng và thống nhất về chính sách. Thế nhưng làm rõ tình trạng các thực thể kinh tế mới là điều cốt lõi và là đối tượng hướng tới của việc minh bạch hoá chính sách. Thông tin tín nhiệm sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể về từng doanh nghiệp với đầy đủ mà sắc. Điều này sẽ rất hữu ích cho công tác quản lý, vì xét cho cùng, quản lý là quản lý thông tin.

Tại điều 116 Luật doanh nghiệp, có quy định cơ quan đăng ký kinh doanh phải xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp; cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước, cho tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Thế nhưng kể từ ngày Luật có hiệu lực, số lượng cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin rất ít. Khách hàng rất quan tâm đến tình trạng thực tế hiện tại của doanh nghiệp trong khi đó điều này lại rất ít được cập nhật tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong một xã hội dân sự, Nhà nước hướng nhiều hơn tới việc ghi nhận hiện tại và và khuyến định tương lai thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ tư. Dịch vụ cung cấp thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp đang bắt đầu được các doanh nghiệp Việt Nam học tập và triển khai và bước đi của công ty C&R Việt Nam được coi là những viên gạch đầu tiên.

Và tương lai tín nhiệm Việt Nam

Việc tìm hiểu và thẩm định khách hàng đang trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. Không chỉ có “tốt đẹp phô ra còn xấu xa đậy vào” mà phải có những bác sỹ chuyên đi bắt bệnh. Khi đó, bản báo cáo của các cơ quan chuyên cung cấp dịch vụ thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp được coi là bằng chứng khách quan nhất. Các công ty này, bằng tất cả nghiệp vụ theo pháp luật của mình, tiến hành xem xét tất cả các chỉ số tài chính và phi tài chính để đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp, khuyến nghị các đối tác làm ăn.

Việc “bắt bệnh” một cách độc lập như hiện nay chủ yếu là do các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành. Đây là bước khôn khéo của họ để tìm hiểu mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam trước khi tiến hành kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đang bị các doanh nghiệp nước ngoài - với những ưu thế về vốn, thông tin và trình độ phát triển – tiến hành đàm phán trên thế “thượng phong” và đưa doanh nghiệp Việt Nam vào vị trí bất lợi trong kinh doanh do những hiểu biết đối tác trước đó. Để góp phần làm lành mạnh hoá toàn bộ môi trường kinh doanh và phòng tránh được những rủi ro từ phía đối tác nước ngoài.

Thiết nghĩ đã đến lúc cần những quy định mạnh mẽ và cứng rắn hơn trong việc thẩm định đối tác kinh doanh thông qua một cơ quan kinh doanh thông tin độc lập trước khi tiến hành hợp tác kinh doanh, bảo lãnh, cho vay hoặc xuất khẩu hàng hóa cho họ.Việc có thêm một bản báo cáo tín nhiệm độc lập để tham chiếu là điều rất cần thiết. Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiến hành tìm hiểu để mua các báo cáo tín nhiệm về đối tác nước ngoài để tham khảo trước khi giao dịch, làm ăn. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin qua một công ty chuyên cung cấp thông tin tín nhiệm tại Việt nam theo địa chỉ : www.vietnamcredit.com.vn

Lê Đình Quản

Gíam đốc C&R Việt Nam

___________________

Không có nhận xét nào: